loading
Ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ và mối nguy hiểm tiềm tàng

Trên toàn thế giới, có khoảng 1 tỷ người trưởng thành bị ảnh hưởng bởi chứng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ. Tuy nhiên, rất ít người nhận thức được tình trạng này vì nó xảy ra trong lúc họ đang ngủ, và thường mất một thời gian dài để phát hiện cũng như điều trị.

Hội chứng ngưng thở do tắc nghẽn khi ngủ (Obstructive Sleep Apnea – OSA) là một dạng rối loạn hô hấp, xảy ra khi đường thở bị tắc nghẽn liên tục trong khi ngủ, dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.

Tắc nghẽn đường thở trong chứng ngưng thở khi ngủ bao gồm hiện tượng giảm thở hoặc ngừng thở. Nếu lượng không khí giảm ít nhất 30% trong 10 giây, đó được gọi là giảm thở. Nếu lượng không khí giảm đến 90% trong 10 giây, đó được coi là ngưng thở. Một người được xem là mắc chứng OSA khi hiện tượng ngưng thở và giảm thở xảy ra ít nhất 5 lần trong một giờ.

Ngoài OSA, còn có ba loại rối loạn hô hấp liên quan đến giấc ngủ khác, bao gồm: ngưng thở khi ngủ trung ương, rối loạn giảm thông khí liên quan đến giấc ngủ, và rối loạn thiếu oxy khi ngủ.

Cơ chế của chứng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ

Cơ chế ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ khiến người bệnh ngáy thường xuyên

Khi một người mắc chứng OSA rơi vào giấc ngủ, đường thở của họ bị hẹp lại, gây ra nhịp thở bất thường, ngưng thở hoặc giảm thở trong khoảng thời gian dưới 10 giây. Chứng OSA làm giảm nồng độ O2 và tăng nồng độ CO2 trong máu, dẫn đến sự gián đoạn giấc ngủ bình thường.

Nguyên nhân gây ra chứng OSA bắt nguồn từ việc các cơ bao quanh cổ họng thư giãn khi ngủ. Có thể hiểu đơn giản, nếu ban ngày, khi tỉnh táo, các cơ bao quanh cổ họng rộng mở để giữ cho đường thở thông thoáng, thì khi ngủ, các cơ này cũng “ngủ” theo, khiến đường thở bị thu hẹp lại và thậm chí đóng kín hoàn toàn.

Đối với hầu hết những người bình thường, hiện tượng này không gây ra vấn đề nghiêm trọng. Tuy nhiên, với những người có một số đặc điểm tự nhiên điển hình, hiện tượng này dễ dẫn đến chứng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ.

Làm sao để nhận biết mình mắc phải chứng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ?

Triệu chứng phổ biến nhất của chứng OSA mà phần lớn người mắc phải thường gặp là sự mệt mỏi quá mức vào ban ngày và ngáy to vào ban đêm. Tuy nhiên, một số người mắc chứng OSA lại không có triệu chứng đáng chú ý nào cả, và một số khác lại nhầm lẫn triệu chứng OSA với những nguyên nhân hay bệnh tật khác.

Các triệu chứng ban đêm của OSA bao gồm:

  • Ngáy to
  • Trằn trọc khi ngủ, khó đi vào giấc ngủ
  • Thức dậy có cảm giác muốn đi tiểu
  • Thở bằng miệng khi ngủ

Triệu chứng ban ngày của OSA:

  • Thức dậy cảm thấy mệt mỏi
  • Đau đầu khi thức dậy
  • Khô hoặc đau họng
  • Ngủ ngày quá nhiều
  • Có vấn đề về trí nhớ hoặc suy giảm trí lực
  • Bất lực hoặc giảm ham muốn tình dục

Nếu bạn nghi ngờ mình mắc chứng OSA, có thể nhờ người thân quan sát các hiện tượng xảy ra vào ban đêm khi bạn ngủ. Họ có thể nhận thấy các dấu hiệu của ngưng thở tắc nghẽn như: ngáy to, ngáy ngắt quãng, thở hổn hển, nghẹt thở, khịt mũi hoặc tạm thời ngừng thở. Trong nhiều trường hợp, người mắc OSA còn tỉnh dậy hoảng hốt trong giấc ngủ.

Những ai có nguy cơ cao mắc chứng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ?

Có nhiều yếu tố để làm gia tăng nguy cơ mắc chứng OSA

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng một số yếu tố có thể làm gia tăng nguy cơ mắc chứng OSA, bao gồm:

  • Độ tuổi: Nguy cơ mắc OSA càng cao khi tuổi tác tăng. Từ 60-70 tuổi, nguy cơ này bắt đầu giảm dần.
  • Giới tính: Nam giới có nguy cơ mắc OSA cao hơn nữ giới. Đối với phụ nữ, nguy cơ cao nhất là trong giai đoạn tiền mãn kinh hoặc sau mãn kinh.
  • Chỉ số khối cơ thể (BMI): Chỉ số BMI càng cao, khả năng phát triển OSA càng lớn. Nói cách khác, người béo phì dễ mắc chứng OSA hơn.
  • Đặc điểm cơ thể: Một số đặc điểm cơ thể làm tăng nguy cơ mắc OSA như mỡ thừa quanh cổ, amidan lớn, hàm dưới nhỏ hoặc thụt sâu, thành họng sau hẹp, vòng cổ to.
  • Hút thuốc lá: Người hút thuốc lá có nguy cơ mắc OSA cao gấp 3 lần so với người bỏ thuốc hoặc không hút thuốc.
  • Tiền sử gia đình: Người có người thân trực hệ trong gia đình mắc OSA có nguy cơ mắc OSA cao gấp đôi so với người không có người thân trong gia đình mắc OSA. Nguy cơ này có thể do chia sẻ đặc điểm giải phẫu chung, lối sống hoặc môi trường sống tương tự.
  • Chứng nghẹt mũi: Người bị nghẹt mũi do cảm lạnh, viêm xoang hoặc cảm cúm cũng có nguy cơ mắc OSA cao gấp đôi người bình thường.

Hậu quả của chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn

Chứng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe tinh thần

Chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn nếu không điều trị, nó sẽ gây ra nhiều hậu quả tiêu cực cho sức khỏe. Việc giấc ngủ bị ngắt quãng và mất giấc ngủ sâu sẽ dẫn đến nhiều tác hại toàn diện cho cơ thể, bao gồm:

  • Thay đổi sức khỏe tâm thần: Người mắc OSA có thể trở nên khó chịu, trầm cảm, lo lắng bồn chồn và căng thẳng. Khả năng chú ý và trí nhớ cũng suy giảm rõ rệt, làm tăng nguy cơ mắc lỗi trong cuộc sống và công việc.
  • Sức khỏe tim mạch: Các nghiên cứu chỉ ra rằng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tim mạch, cụ thể là gây nhịp tim không đều và tăng huyết áp.
  • Gan: Người bị gan nhiễm mỡ không do rượu có nguy cơ phát triển bệnh gan cao gấp 2-3 lần nếu đồng thời mắc chứng OSA.
  • Tai nạn giao thông: Giấc ngủ không đầy đủ làm giảm khả năng chú ý, gây mệt mỏi và buồn ngủ thường xuyên, khiến nguy cơ tai nạn khi lái xe của người mắc OSA cao hơn so với người không mắc. Một số nước trên thế giới còn quy định người mắc chứng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ phải thông báo cho cơ quan cấp phép lái xe về tình trạng của mình để có biện pháp an toàn phù hợp.

Ở Việt Nam, nhiều người vẫn quan niệm ngủ ngáy to là khỏe mà không biết đó là một nguy cơ dẫn đến nhiều tác hại cho sức khỏe, điển hình là chứng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ. Khi nghi ngờ có các dấu hiệu nguy cơ, cần đến khám tại các cơ sở y tế để có những can thiệp cần thiết.

Nguồn tham khảo: msdmanual, Sleep Foundation

Write a Reply or Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *