Theo một nghiên cứu về giấc ngủ, các nhà khoa học chứng minh rằng việc sử dụng thường xuyên máy áp lực đường thở dương (PAP) ở những người mắc chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn sẽ cải thiện tâm trạng và sức khỏe của bản thân, đồng thời giúp mối quan hệ giữa bệnh nhân và người thân của họ trở nên tích cực.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, khi người bệnh tuân thủ liệu pháp PAP tốt hơn, mức độ hài lòng trong mối quan hệ của họ tăng lên và mức độ xung đột giảm xuống. Chất lượng giấc ngủ cao hơn giúp cả bệnh nhân và người thân của họ cảm thấy hài lòng trong mối quan hệ.
Wendy Troxel, tác giả của nghiên cứu này cho biết: “Nhận thức được giấc ngủ và các rối loạn giấc ngủ sẽ ảnh hưởng đến chất lượng mối quan hệ có thể là động lực mạnh mẽ để những người mắc chứng ngưng thở khi ngủ tuân thủ điều trị. Chúng tôi đã phát triển một phương pháp điều trị dựa trên các cặp đôi, gọi là “We-PAP”. Phương pháp này giúp giấc ngủ của các cặp đôi là một trải nghiệm chung và giúp bệnh nhân cũng như vợ/chồng của họ vượt qua những thách thức để cùng nhau tuân thủ liệu pháp điều trị ngưng thở khi ngủ”.
Theo Học viện Y học Giấc ngủ Hoa Kỳ, gần 30 triệu người trưởng thành ở Hoa Kỳ mắc chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn. Đây là một căn bệnh mãn tính liên quan đến tình trạng đường hô hấp trên bị xẹp nhiều lần trong khi ngủ.
Ngáy là một trong những triệu chứng dễ nhận biết nhất của chứng ngưng thở khi ngủ, điều này thường gây phiền toái cho người ngủ chung giường. Một phương pháp điều trị phổ biến cho chứng ngưng thở khi ngủ là liệu pháp PAP, sử dụng áp suất không khí nhẹ được cung cấp qua mặt nạ để giữ cho cổ họng mở trong khi ngủ.
Nghiên cứu được thực hiện với sự tham gia của 36 cặp vợ chồng, trong đó các bệnh nhân bắt đầu điều trị PAP cho chứng ngưng thở khi ngủ. Dữ liệu tuân thủ điều trị PAP khách quan được ghi lại trong 3 tháng. Mức độ hài lòng về mối quan hệ và xung đột đã được các cặp vợ chồng báo cáo liên tục để các nhà nghiên cứu đánh giá tình trạng mối quan hệ dựa trên tầm quan trọng của giấc ngủ.
“Không ai có thể đạt được trạng thái tốt nhất khi họ không ngủ đủ giấc” Troxel nói. “Trong thời đại mà chúng ta thấy nhiều cặp vợ chồng trải qua “cuộc ly hôn trong giấc ngủ”, có nghĩa là họ không thể ngủ cùng nhau và khoảng 50% cuộc hôn nhân trong số đó kết thúc bằng việc ly hôn thực sự. Điều này giúp họ nhận ra rằng giấc ngủ góp phần vào các mối quan hệ lành mạnh là điều rất quan trọng”.
Cuối cùng, kết quả nêu bật giấc ngủ và rối loạn giấc ngủ có liên quan như thế nào đến chất lượng mối quan hệ của các cặp đôi. Trong số các cặp đôi mà một thành viên mắc chứng ngưng thở khi ngủ, việc tuân thủ điều trị PAP và hiệu quả giấc ngủ tốt hơn có liên quan đến mức độ hài lòng về mối quan hệ cao hơn.
Nhận thức được tác động kép của giấc ngủ và rối loạn giấc ngủ, bao gồm cả tác động tiềm ẩn đến chất lượng mối quan hệ, có thể là động lực mạnh mẽ để khuyến khích sự tuân thủ của những người mắc chứng rối loạn giấc ngủ.