Đau đầu do ngưng thở khi ngủ là những cơn đau đầu xảy ra vào buổi sáng và tái diễn ít nhất 15 ngày mỗi tháng ở những người bị rối loạn ngưng thở khi ngủ. Cơn đau đầu này thường có cảm giác bị đè nặng, dồn ép ở cả hai bên đầu.
Ước tính khoảng 18% bệnh nhân mắc chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA) gặp phải triệu chứng đau đầu vào buổi sáng. OSA xảy ra khi đường thở bị thu hẹp một phần, hạn chế lượng không khí vào phổi, hoặc bị tắc nghẽn hoàn toàn trong một khoảng thời gian khi ngủ.
Đau đầu do ngưng thở khi ngủ là gì?
Có nhiều nguyên nhân gây ra đau đầu vào buổi sáng. Theo Phân loại quốc tế về rối loạn đau đầu do ngưng thở khi ngủ có một số đặc điểm điển hình như:
- Cơn đau đầu chỉ xuất hiện vào buổi sáng, sau khi ngủ.
- Đau ở cả hai bên đầu, có cảm giác như bị đè nặng, nhưng không kèm theo buồn nôn, sợ ánh sáng, hay sợ âm thanh.
- Đau đầu trở nên tồi tệ hơn cùng với sự phát triển của chứng ngưng thở khi ngủ.
- Chỉ số AHI từ 5 trở lên.
- Cơn đau đầu nghiêm trọng hơn khi chứng ngưng thở khi ngủ nặng hơn và giảm đáng kể khi chứng ngưng thở khi ngủ được cải thiện.
- Không có nguyên nhân nào khác gây ra chứng đau đầu này.
- Đau đầu thường xuất hiện ít nhất 15 ngày mỗi tháng.
- Kéo dài trong khoảng 4 giờ trở lại.
Hầu hết đau đầu do ngưng thở khi ngủ xuất hiện vào buổi sáng, nhưng một số người lại bị đau vào nửa đêm. Đau đầu do ngưng thở khi ngủ khác với đau nửa đầu vì không có các triệu chứng đi kèm như buồn nôn, sợ ánh sáng, và sợ âm thanh.
Phân biệt đau đầu do ngưng thở khi ngủ và loại đau đầu khác
Đau đầu do ngưng thở khi ngủ
- Xuất hiện khi thức dậy vào buổi sáng.
- Đau ở cả hai bên đầu, cảm giác như bị đè nặng, không kèm theo buồn nôn, sợ ánh sáng hay âm thanh.
- Kéo dài trong khoảng 4 giờ trở lại.
- Liên quan đến chứng ngưng thở khi ngủ, cải thiện khi ngưng thở được điều trị.
Đau đầu từng cơn (Cluster Headaches)
- Thường xuất hiện trong thời gian ngủ.
- Kèm theo các triệu chứng như sổ mũi, nghẹt mũi, chảy nước mắt, đổ mồ hôi trên trán hoặc mặt, sưng húp mặt, sụp mí mắt.
Đau đầu trong giấc ngủ (Hypnic Headaches)
- Diễn ra vào ban đêm, trong khi ngủ, thường gặp ở người lớn tuổi.
- Xuất hiện vào khoảng 4-6 giờ sau khi đi vào giấc ngủ, thường gọi là nhức đầu báo thức.
- Kéo dài khoảng 30 phút và thường kèm theo triệu chứng buồn nôn.
Đau nửa đầu (Migraines)
- Kéo dài từ vài giờ đến 3 ngày.
- Đau một bên đầu, có thể xuất hiện bất kể ngày đêm.
- Đi kèm với triệu chứng buồn nôn, nhạy cảm với ánh sáng và âm thanh.
Điều gì gây ra đau đầu do ngưng thở khi ngủ?
Nhiều ý kiến cho rằng đau đầu do ngưng thở khi ngủ có liên quan đến sự sụt giảm nồng độ oxy trong máu ở những người mắc chứng ngưng thở khi ngủ. Người mắc ngưng thở khi ngủ thường trải qua những cơn ngừng thở và giảm thở nhiều lần trong lúc ngủ, dẫn đến sự thiếu oxy ở phổi và làm giảm nồng độ oxy trong máu.
Khi lượng oxy trong máu giảm, lượng oxy cung cấp cho não cũng giảm theo, khiến CO2 tích tụ nhiều hơn trong máu. Điều này làm các mạch máu trong não giãn nở, tạo áp lực và gây ra các cơn đau đầu.
Tuy nhiên, một số nghiên cứu lại cho thấy những người mắc OSA bị đau đầu có mức nồng độ oxy và số lần ngừng thở tương tự như những người mắc OSA không bị đau đầu. Do vậy, mặc dù tình trạng thiếu oxy trong máu có thể góp phần gây ra một số cơn đau đầu vào buổi sáng, vẫn có thể có những nguyên nhân khác gây ra chứng đau đầu do ngưng thở khi ngủ mà chúng ta chưa rõ.
Điều trị đau đầu do ngưng thở khi ngủ thế nào?
Khi nghi ngờ đau đầu là do ngưng thở khi ngủ, bạn cần đế các cơ sở y tế để được khám tổng thể. Thuốc giảm đau có thể giúp giảm đau đầu tức thời, nhưng để ngăn chặn tái phát, cần điều trị chứng ngưng thở khi ngủ.
Hiện có nhiều phương pháp điều trị hiệu quả cho chứng ngưng thở khi ngủ. Khi chứng này được điều trị thành công, cơn đau đầu cũng sẽ giảm đi. Một số phương pháp phổ biến bao gồm:
- Sử dụng máy trợ thở áp lực dương liên tục (CPAP): Đây là phương pháp hiệu quả nhất để cải thiện các triệu chứng của ngưng thở khi ngủ và nâng cao chất lượng cuộc sống.
- Sử dụng các dụng cụ miệng: Phương pháp này được khuyến khích cho những người mắc ngưng thở khi ngủ mức độ nhẹ và trung bình. Các thiết bị này được đeo khi ngủ, giúp thông thoáng đường thở bằng cách di chuyển hàm về phía trước và giữ lưỡi ở vị trí đúng.
- Phẫu thuật: Các biện pháp như cắt amidan hoặc phẫu thuật tạo hình hầu họng được áp dụng khi các phương pháp điều trị ít xâm lấn khác không hiệu quả.
- Thay đổi lối sống: Cải thiện vệ sinh giấc ngủ, giảm béo phì, ăn kiêng, hạn chế uống rượu bia, thay đổi tư thế ngủ từ nằm ngửa sang nằm nghiêng hoặc nằm sấp.
Việc điều trị ngưng thở khi ngủ không chỉ giúp giảm đau đầu buổi sáng mà còn cải thiện tổng thể sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
Đọc thêm: Các dấu hiệu bất thường của chứng ngưng thở khi ngủ.