Chuyên Gia Điều Trị Ngủ Ngáy
Để chẩn đoán tình trạng, bác sĩ sẽ xem xét các dấu hiệu, triệu chứng và tiền sử bệnh, đồng thời thực hiện khám lâm sàng. Người thân có thể được hỏi về cách & thời gian bạn ngáy để đánh giá mức độ. Đặc biệt đối vưới tình trạng trẻ em ngáy, cha mẹ cũng sẽ được hỏi để đánh giá mức độ nghiêm trọng trong tiếng ngáy của trẻ.
Phương pháp Chẩn Đoán
- Khám Trên Lâm Sàng
- Chẩn Đoán Hình Ảnh
Bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện xét nghiệm hình ảnh như chụp X-quang, cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI). Những xét nghiệm này kiểm tra cấu trúc đường thở để phát hiện các vấn đề như vách ngăn mũi lệch.
- Nghiên Cứu Giấc Ngủ/ Đo Đa Ký Giấc Ngủ
Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng ngáy và các triệu chứng khác, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện nghiên cứu giấc ngủ. Đôi khi, nghiên cứu này có thể được thực hiện tại nhà.
Tuy nhiên, nếu bạn có các vấn đề y tế khác hoặc triệu chứng về giấc ngủ, bạn có thể cần ở lại qua đêm tại phòng Lab để thực hiện phân tích chuyên sâu về hô hấp trong khi ngủ, gọi là đo đa ký giấc ngủ (polysomnography).
Trong quá trình đo đa ký giấc ngủ, bạn sẽ được gắn nhiều cảm biến và quan sát qua đêm. Trong nghiên cứu giấc ngủ, các thông tin sau sẽ được ghi lại:
- Các tín hiệu điện não, điện tim
- Độ oxy máu bão hòa (SpO2)
- Nhịp tim, Các tín hiệu điện tim
- Nhịp thở, các nỗ lực hô hấp ngực bụng
- Cử động mắt và chân
- Các giai đoạn của giấc ngủ...
Phương pháp Điều Trị
Để điều trị ngáy, bác sĩ có thể khuyên bạn thay đổi lối sống trước, chẳng hạn như:
- Giảm cân
- Tránh uống rượu gần giờ đi ngủ
- Điều trị nghẹt mũi
- Tránh thiếu ngủ
- Tránh nằm ngửa khi ngủ
Đối với ngáy kèm theo chứng ngưng thở khi ngủ (OSA), bác sĩ có thể đề xuất:
Thiết bị chỉnh nha: Đây là các miếng ngậm định hình giúp đưa hàm, lưỡi và vòm miệng mềm vào vị trí thích hợp để giữ cho đường thở mở. Phòng khám sẽ phối hợp với nha sĩ để tối ưu hóa vị trí và đảm bảo thiết bị hoạt động hiệu quả. Các tác dụng phụ có thể bao gồm tiết nước bọt quá nhiều, khô miệng, đau hàm và khó chịu ở mặt. Cần đi kiểm tra nha khoa ít nhất sáu tháng một lần trong năm đầu và sau đó ít nhất hàng năm để kiểm tra và đánh giá sức khỏe răng miệng.
Máy thở áp lực dương liên tục (CPAP): Phương pháp này bao gồm đeo mặt nạ mũi hoặc miệng khi ngủ. Mặt nạ cung cấp một dòng khí liên tục để giữ đường thở mở. CPAP loại bỏ ngáy và thường được sử dụng để điều trị ngáy liên quan đến OSA (ngưng thở do tắc nghẽn). Tuy nhiên, một số người có thể thấy không thoải mái hoặc gặp khó khăn trong việc thích nghi với tiếng ồn hoặc cảm giác của máy.
Phẫu thuật đường thở trên: Có nhiều thủ thuật nhằm mở rộng đường thở trên và ngăn ngừa sự hẹp lại trong khi ngủ. Ví dụ, phẫu thuật cắt đối với tình trạng amidan quá phát, phẫu thuật điều chỉnh lại cấu trúc hàm… Tuy nhiên, hiệu quả của các phẫu thuật này khác nhau và có thể khó dự đoán. Các chuyên gia của phòng khám sẽ phối hợp cùng các bác sĩ răng hàm mặt để tư vấn phương pháp điều trị hiệu quả và ít xâm lấn nhất.
Nên chuẩn bị gì trước khi tới khám?
Những việc có thể làm:
- Ghi lại bất kỳ triệu chứng nào bạn đang gặp phải. Hãy nhờ người thân mô tả những gì họ nghe thấy khi bạn ngủ.
- Tốt hơn nữa, mời người thân (vợ, chồng, người yêu…) đi cùng để họ có thể thảo luận trực tiếp với bác sĩ về các triệu chứng của bạn.
- Lập danh sách tất cả các loại thuốc, vitamin hoặc thực phẩm bổ sung mà bạn đang dùng.
- Viết ra các câu hỏi để hỏi bác sĩ.
Đối với ngủ ngáy, một số câu hỏi cơ bản có thể hỏi bác sĩ gồm:
- Nguyên nhân khiến tôi ngáy khi ngủ là gì?
- Việc ngáy có phải là dấu hiệu của vấn đề nghiêm trọng hơn như chứng ngưng thở khi ngủ không?
- Tôi cần thực hiện những xét nghiệm nào?
- Các phương pháp điều trị ngáy hiện có là gì, và bác sĩ khuyến nghị phương pháp nào?
- Những tác dụng phụ nào tôi có thể gặp phải từ phương pháp điều trị?
- Tôi có thể thực hiện những biện pháp nào để giảm ngáy?
- Tôi có các bệnh lý khác, làm thế nào để quản lý chúng tốt nhất cùng với việc ngáy?
- Có tài liệu in hoặc trang web nào tôi có thể tham khảo thêm không?
Những câu hỏi có thể bạn sẽ cần phải trả lời
- Bạn bắt đầu ngáy từ khi nào?
- Bạn ngáy mỗi đêm hay chỉ thỉnh thoảng?
- Bạn có thường tỉnh dậy giữa đêm không?
- Điều gì có vẻ làm tình trạng ngáy của bạn tệ hơn?
- Tiếng ngáy của bạn to đến mức nào? Nó có làm phiền gia đình bạn không? Có thể nghe thấy ngoài phòng ngủ không?
- Người nằm cạnh có bao giờ nói rằng bạn có ngừng thở hoặc thở không đều khi ngủ không?
- Bạn có bao giờ tỉnh dậy vì ngạt thở hay hít mạnh không?
- Bạn có gặp phải triệu chứng nào vào ban ngày không, chẳng hạn như buồn ngủ?
Trong khi chờ gặp bác sĩ, để cải thiện tình trạng ngáy, bạn có thể thử:
- Tránh uống rượu hoặc dùng thuốc an thần trước khi đi ngủ.
- Ngủ ở tư thế kê cao đầu hơn khoảng 10cm.
- Ngủ nghiêng thay vì nằm ngửa.
- Nếu bị nghẹt mũi, hãy thử dùng các loại thuốc xịt thông mũi.